Tải App trên Android
Chính sách mới >> Tài chính 10/06/2024 14:26 PM

Nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội đồng cổ đông trong tổ chức tín dụng là công ty cổ phần từ 01/7/2024

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
10/06/2024 14:26 PM

Nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội đồng cổ đông trong tổ chức tín dụng là công ty cổ phần được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 .

Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội đồng cổ đông trong tổ chức tín dụng là công ty cổ phần

Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội đồng cổ đông trong tổ chức tín dụng là công ty cổ phần (Hình từ internet)

Nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội đồng cổ đông trong tổ chức tín dụng là công ty cổ phần từ ngày 1/7/2024

Căn cứ theo khoản 3 Điều 67 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội đồng cổ đông trong tổ chức tín dụng là công ty cổ phần từ ngày 01/7/2024 được quy định như sau:

- Thông qua định hướng phát triển của tổ chức tín dụng;

- Thông qua Điều lệ, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của tổ chức tín dụng;

- Thông qua quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;

- Quyết định số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát từng nhiệm kỳ; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bầu bổ sung, thay thế thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát phù hợp với các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và Điều lệ của tổ chức tín dụng;

- Quyết định mức thù lao, thưởng và các lợi ích khác đối với thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát và ngân sách hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;

- Xem xét và xử lý theo thẩm quyền vi phạm của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát gây thiệt hại cho tổ chức tín dụng và cổ đông của tổ chức tín dụng;

- Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý của tổ chức tín dụng;

- Thông qua phương án thay đổi mức vốn điều lệ; thông qua phương án chào bán cổ phần, bao gồm loại cổ phần và số lượng cổ phần mới sẽ chào bán;

- Thông qua phương án mua lại cổ phần đã bán;

- Thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi;

- Thông qua phương án quy định tại Điều 143 Luật Các tổ chức tín dụng 2024;

- Thông qua báo cáo tài chính hằng năm; phương án phân phối lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của tổ chức tín dụng;

- Thông qua báo cáo của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

- Quyết định thành lập hoặc chuyển đổi các hình thức pháp lý hiện diện thương mại ở nước ngoài, công ty con của tổ chức tín dụng;

- Thông qua phương án góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp của tổ chức tín dụng tại doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác mà giá trị góp vốn, giá mua dự kiến hoặc giá trị ghi sổ trong trường hợp bán cổ phần, phần vốn góp có giá trị từ 20% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng;

- Thông qua quyết định đầu tư, mua, bán tài sản cố định của tổ chức tín dụng mà mức đầu tư, giá mua dự kiến hoặc nguyên giá trong trường hợp bán tài sản cố định có giá trị từ 20% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng;

- Thông qua hợp đồng, giao dịch khác có giá trị từ 20% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng giữa tổ chức tín dụng với thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), cổ đông lớn của tổ chức tín dụng; người có liên quan của người quản lý, thành viên Ban kiểm soát, cổ đông lớn của tổ chức tín dụng; công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp ngân hàng thương mại đang thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc;

- Quyết định việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý, giải thể hoặc yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng;

- Quyết định lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định tại Điều 59 Luật Các tổ chức tín dụng 2024;

- Quyết định giải pháp khắc phục biến động lớn về tài chính của tổ chức tín dụng.

Trường hợp triệu tập cuộc họp bất thường của Đại hội đồng cổ đông trong tổ chức tín dụng là công ty cổ phần

Căn cứ theo khoản 2 Điều 67 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về các trường hợp triệu tập cuộc họp bất thường của Đại hội đồng cổ đông trong tổ chức tín dụng là công ty cổ phần như sau:

- Hội đồng quản trị xét thấy cần thiết vì lợi ích của tổ chức tín dụng;

- Số thành viên Hội đồng quản trị còn lại ít hơn số thành viên tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Các tổ chức tín dụng 2024;

- Số thành viên Ban kiểm soát còn lại ít hơn số thành viên tối thiểu quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Các tổ chức tín dụng 2024;

- Theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông hoặc tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng;

- Theo yêu cầu của Ban kiểm soát;

- Quyết định nội dung theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước khi xảy ra sự kiện ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng;

- Trường hợp khác quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng.

Nguyễn Phạm Đài Trang

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,292

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]